Phóng viên: Có được những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật, cho đến hôm nay bà có hài lòng với chính mình?

- NSND TUYẾT MAI: Tôi nhớ mãi câu chuyện bát phở thời bao cấp khó nhọc, khi đó bố tôi dẫn tôi đến quán phở và dặn dò: "Vào phòng thi cố gắng thi cho tốt, khi về bố sẽ thưởng cho bát phở". Và cô bé 10 tuổi như tôi thời đó, thèm ăn phở nên đã làm đúng lời bố. Sau đó tôi được tuyển vào Nhạc viện Hà Nội, vừa học phổ thông vừa đeo đuổi chuyên ngành đàn tam thập lục. Năm 1988, tôi được nhận vào công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Nhìn lại suốt quá trình tôi đã nỗ lực phấn đấu làm theo lời dặn của bố - "học đến nơi, đến chốn, phải thăng hoa, thả hồn vào trong từng cung bậc của nhạc cụ" - hôm đón nhận danh hiệu NSND, tôi rất xúc động. Tôi nhớ tới lời dạy khi xưa của bố, nhớ những tháng ngày cơ cực nhưng vẫn nỗ lực phấn đấu để có được ngày hôm nay. Tôi tâm nguyện sẽ luôn bền lòng, vượt khó nhọc để mãi cống hiến cho nghệ thuật.

NSND Tuyết Mai. Ảnh: THANH HIỆP

Sau khi nhận được danh hiệu NSND, bà có dự án nghệ thuật nào mới?

- Tôi đã âm thầm làm tốt công tác "gieo hạt", chỉ mong sao mỗi ngày trôi qua, có thêm nhiều bạn trẻ yêu nhạc cụ dân tộc, cùng nâng niu, giữ gìn di sản quý mà ông cha để lại cho cuộc đời. Tôi luôn tin rằng việc "gieo hạt" của mình sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng tình yêu về cội nguồn văn hóa dân tộc, về âm nhạc dân tộc trong lòng người dân Việt Nam. Cứ đúng vào thời điểm những ngày lễ lớn chào mừng 30-4 và 1-5, lòng tôi lại nao nao xúc động. Vì hầu như trong suốt 45 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, đây là khoảng thời gian nghệ sĩ chúng tôi được dịp biểu diễn âm nhạc dân tộc khắp nơi, hòa cùng với niềm vui lớn của toàn dân tộc bằng âm nhạc do chính tiền nhân sáng tạo, đó là điều hạnh phúc lớn của đời nghệ sĩ.

Bà được xem là người tiêu biểu truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc, với hành trình góp phần khơi dậy niềm đam mê cũng như tình yêu âm nhạc dân tộc đến với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Bà nghĩ gì về nghề nghiệp mà bà đã theo đuổi?

- Đó là sứ mệnh cao quý của một nghệ sĩ gắn bó với âm nhạc dân tộc. Từ khi về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, tôi luôn thích đầu tư tiết mục mới để dự thi các liên hoan, hội diễn. Không phải tôi tham gia để có giải thưởng mà chỉ nghĩ rằng với những tiết mục mới qua mỗi cuộc so tài, mình sẽ được ghi nhận, góp ý từ các đồng nghiệp, các vị tiền bối về những sáng tạo của mình. Từ đó, tôi sẽ làm dày hơn những tác phẩm hay về âm nhạc dân tộc.

Lớp dạy âm nhạc dân tộc miễn phí dành cho tất cả những ai yêu thích tại “Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Là người đồng hành trong nhiều dự án của TP HCM trên hành trình nỗ lực quảng bá giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam đến với du khách quốc tế, bà trăn trở gì nhất về hoạt động quảng bá âm nhạc dân tộc?

- Tôi đã cùng gia đình gầy dựng "Phòng hòa nhạc dân tộc" phục vụ khách tham quan ở Hội trường Thống Nhất từ năm 1992. Sau 12 năm hoạt động, năm 2004, tôi đã dời "Phòng hòa nhạc dân tộc" về tại nhà của tôi ở quận Bình Thạnh, TP HCM và mang tên "Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai". Điểm nhấn tại cơ ngơi này là việc duy trì được ba thế hệ biểu diễn sáo trúc. Trong ngôi nhà này, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn với tinh thần "từ trái tim đến với trái tim", với phương châm "thật nhất, gần gũi nhất".

Mở lớp dạy âm nhạc dân tộc miễn phí cho những ai yêu thích là cột mốc lớn trong việc phổ biến âm nhạc dân tộc đến cộng đồng của gia đình tôi. Tôi nghĩ để khán giả không quay lưng với âm nhạc dân tộc thì ngay bây giờ phải tích cực "gieo hạt" và "ươm mầm" để âm nhạc dân tộc được đơm hoa.

Du khách đến tham quan và rất thích mô hình này và từ đó "Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai" đã trở thành một trong nhiều điểm đến yêu thích của du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam mỗi khi họ đến TP HCM.

Chưa dừng lại ở đây, tôi đã và đang thực hiện dự án đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, từ các lớp mẫu giáo đến học sinh tiểu học, để các em biết nhận dạng đúng tên và tính năng của từng loại nhạc cụ dân tộc.

Mất 13 năm rèn luyện để chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc, bà đã đối mặt với những khó khăn nào để có thể trình diễn tốt nhiều loại nhạc cụ dân tộc,?

- Không có nghề nào dễ dàng cả, đều phải dụng công mới đạt được. Điều thôi thúc tôi vượt qua khó nhọc chính là mục tiêu mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến gần với thế hệ trẻ. Vì thế, tôi cứ lao vào học, rèn luyện chỉ với mong muốn duy nhất là góp phần xây dựng nên thế hệ khán giả nghe nhạc dân tộc bằng cảm xúc và hiểu biết về âm nhạc dân tộc.

Theo bà hiện nay cần có những cơ chế đặc thù nào để giúp người trẻ có thể thưởng thức và tìm hiểu một cách trọn vẹn nhạc dân tộc?

- Hiện tại ở "Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai", các bạn trẻ đến ghi danh học tôi đều cung cấp nhạc cụ. Tại các trường nơi chúng tôi thực hiện dự án "Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học" do Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức, tôi cũng thường xuyên thay đổi các tiết mục, làm mới các chương trình để qua mỗi chủ đề các bạn học sinh sẽ được hiểu thêm về âm nhạc dân tộc. "Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai" cũng đã quyết định mở lớp dạy âm nhạc dân tộc miễn phí dành cho tất cả những ai yêu thích.

Về nỗi trăn trở, tôi thấy nghịch lý là có những nhà hát, hằng năm được nhà nước đầu tư kinh phí rất nhiều, nhưng việc tổ chức biểu diễn còn chạy theo thành tích - số lượng suất diễn, chưa có sự đầu tư dàn dựng kỹ, cũng như giới thiệu những cái hay, cái đẹp của từng loại nhạc cụ để tạo sức hút đối với khán giả. Chính vì thế, khi nhắc đến âm nhạc dân tộc, khán giả vẫn thường nghĩ đó là loại âm nhạc đơn điệu, buồn tẻ…